Phụ huynh đánh nhau trước Trường trung học Tahquitz ở thành phố Hemet, bang California, Mỹ - Ảnh chụp màn hình Daily Mail
Phụ huynh đánh nhau trước Trường trung học Tahquitz ở thành phố Hemet, bang California, Mỹ - Ảnh chụp màn hình Daily Mail
"Mọi sự so sánh đều khập khiễng", nhưng chuyến thăm Bắc Kinh hai ngày vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ gợi nhớ lại các cuộc mật đàm "tan băng" Trung - Mỹ cách đây 52 năm.
Các cuộc đàm phán của Henry Kissinger với Thủ tướng Chu Ân Lai từng được ghi vào sách giáo khoa.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc mới đây nói, nếu Mỹ và Trung Quốc lâm chiến, thế giới sẽ không thể nào "gánh nổi" chi phí.
Chính lúc này mới là lúc cần đến các nhà ngoại giao.
Thế giới nay với nhiều điểm nóng, không kể Ukraine còn có châu Phi, vùng giáp Moldova, các vùng biển xa gần, không khác gì 'đêm trước' thời Xuân thu Chiến Quốc (the Warring States 476-221 trước CN), hàng chục nước đánh lẫn nhau, liên kết tung hoành.
Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vừa kết thúc tại Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng ra thông cáo. Năm năm nay mới có một cuộc gặp tầm cỡ này. Dù chỉ gặp trong vòng nửa giờ. Năm năm là bấy nhiều ngày? Cho nên có thể hiểu được phần nào cái động thái dang rộng hai cánh tay của ông Blinken khi tiến về phía "Tập Hoàng đế".
So sánh khập khiễng nhưng hữu lý
Năm mươi hai năm trước, Mỹ và Trung Quốc cũng đã lặng lẽ tiến hành các cuộc đàm phán để cải thiện bang giao, trong bối cảnh chính sách của Liên Xô ngày càng hiếu chiến. Năm 1971 Kissinger đã hai lần bí mật sang Bắc Kinh để thiết lập mối quan hệ ngoại giao và dẫn đến chuyến thăm Trung Quốc của Nixon mùa hè cùng năm. Và sau đó là đến lượt với Liên Xô.
Báo đài Hà Nội từng có lúc tố cáo hai quốc gia đàn anh là những kẻ "cơ hội chủ nghĩa". Nghe các bài xã luận bốc lửa, với các metaphor chủ nghĩa anh hùng cách mạng "đầy hoa thơm cỏ lạ", chủ nghĩa cơ hội là "vũng bùn hôi tanh", để mạt sát hai ông anh, thấy sướng cái bụng. Nhưng đối với người am tường, biết là mấy ông anh sắp "bán đứng" mình.
Thân phận nước nhỏ trong bang giao quốc tế thật truân chuyên!
Năm mươi hai năm sau, giờ liệu có xảy ra chuyện tương tự? Lần này, không phải một mình Việt Nam thấp thỏm. Một nước khác, thuở nào từng cùng chiến hào với ta, đất nước của Tổng thống Zelensky, đang trong đà tổng phản công quyết liệt, chắc chắn mắt cũng đang hướng về các cuộc mật đàm giữa hai cường quốc.
Ông Blinken với ông Tần Cương đàm phán với nhau bảy tiếng rưỡi đồng hồ.
Theo CNN, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết các cuộc hội đàm giữa ông với Tần Ngoại trưởng dĩ nhiên có đề cập đến Ukraine... Ông Blinken đồng thời nêu lên các mối quan ngại của Hoa Kỳ "được chia sẻ bởi ngày càng nhiều quốc gia về các hành động khiêu khích của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Eo biển Đài Loan, cũng như trên Biển Đông. Biển Đông và Biển Hoa Đông."
Bản tin láy đi láy lại điệp khúc Biển Đông khiến người Việt Nam không khỏi chột dạ… Bãi Tư Chính trong những ngày này thật tội nghiệp, nó đang "trần trụi giữa bầy sói".
Trung Quốc tăng hơn gấp đôi số tàu cảnh sát biển tuần tra trên các vùng mỏ dầu khí của Việt Nam ở bãi Tư Chính trong năm 2022, nâng từ con số 142 ngày vào năm 2020 lên 310 ngày vào năm 2022, theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (The Asia Maritime Transparency Initiative - AMTI).
"Mục tiêu của Trung Quốc trong việc tuần tra tại những khu vực này là để thiết lập cái gọi là "quyền lịch sử" đối với tuyên bố đường chín đoạn. Trung Quốc đã liên tục gia tăng sự hiện diện của mình trong những năm qua với sự phản đối công khai rất ít ỏi từ Hà Nội", ông Raymond M. Powell bình luận.
Liệu lợi ích quốc gia có cho phép Mỹ kiên định vấn đề "an ninh hàng hải" được mãi trước sức ép của Trung Quốc? Ở đây không chỉ có một mình Việt Nam, nên Bắc Kinh không dễ gì "tự tung tự tác" trên Biển Đông. Chỉ đáng tiếc là Việt Nam tự trói tay mình bằng "bốn không", nên dù có đến hai "Bộ tứ" trong không gian FOIP, Hà Nội cũng không kết hợp được sức mạnh của mình với các đồng minh "ruột" của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn đã là các "đối tác chiến lược" của Việt Nam.
Về cuộc chiến ở Ukraine, ông Blinken cho biết, Trung Quốc đảm bảo với Mỹ và các nước khác rằng họ sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga và bản thân người Mỹ hiện cũng chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào mâu thuẫn với những điều Trung Quốc vừa bảo đảm. Ông Blinken lưu ý rằng, sự đảm bảo này của Trung Quốc phù hợp với các tuyên bố Bắc Kinh lặp đi lặp lại trong những tuần gần đây.
"Tuy nhiên, điều mà chúng tôi đang lo ngại là các công ty Trung Quốc, những công ty có thể đang cung cấp công nghệ mà Nga có thể sử dụng để thúc đẩy cuộc xâm lược của mình ở Ukraine. Và chúng tôi đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc hết sức cảnh giác về điều đó," ông Blinken cho biết thêm.
Nhưng còn sự hợp tác "không giới hạn" giữa Trung Quốc và Nga thì sao?
Liệu "cầu nối" Bắc Kinh có bắc qua được Moscow? Còn tiếng nói của Mỹ với Liên Âu, những người đang cam kết hỗ trợ sự nghiệp của quân và dân Ukraine, chắc chắn sẽ có hiệu quả.
Sau hai ngày mật đàm, tới đây, Mỹ mời ông Vương Nghị và ông Tần Cương sang Washington để bàn tiếp các câu chuyện họ đang trao đổi dở với nhau, sau bảy tiếng rưỡi đồng hồ. Bảy giờ rưỡi với Tần Cương và khoảng ba giờ đồng hồ với Vương Nghị.
Trung, Mỹ đều điều hướng dư luận
Cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều đang điều hướng các cuộc đàm phán khởi động giữa hai Ngoại trưởng đối với "khán giả" trong nước, tương ứng với mỗi bên. Sau cuộc gặp 19/6 với ông Tập, Blinken cho biết Trung Quốc chưa sẵn sàng nối lại các liên hệ giữa hai quân đội với nhau, điều mà Hoa Kỳ coi là rất quan trọng để tránh tính toán sai lầm và xung đột, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.
Một nhà ngoại giao của Trung Quốc tại Tây Bán cầu, Yang Tao, cho biết ông nghĩ chuyến thăm của Blinken tới Trung Quốc "đánh dấu một khởi đầu mới". Ông nói: "Phía Hoa Kỳ chắc chắn nhận thức được lý do tại sao có khó khăn trong việc trao đổi giữa hai quân đội," ông nói, đồng thời đổ lỗi thẳng thắn vấn đề này cho các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, mà Blinken cho rằng hoàn toàn xoay quanh các mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ.
Hai ông Blinken lẫn Tập Chủ tịch tuyên bố họ hài lòng với những tiến bộ đạt được trong hai ngày đàm phán, nhưng không hề chỉ ra các lĩnh vực thỏa thuận cụ thể, ngoài quyết định chung là quay trở lại một chương trình nghị sự rộng lớn về hợp tác và cạnh tranh đã được Tập Chủ tịch và Tổng thống Joe Biden thông qua vào năm ngoái tại một cuộc họp hội nghị thượng đỉnh ở Bali.
Ở Mỹ hiện nay, cao trào chống lại Trung Quốc mạnh mẽ và lấn át đến mức đã trở thành chủ đề tranh luận chính trị sôi nổi, với việc một số nhà lập pháp chỉ trích chính quyền Biden, chưa gì đã vội vã ngồi xuống với Bắc Kinh.
Còn ở Trung Quốc, ngược lại, coi Washington đang tìm mọi cách cách cản trở sự "trỗi dậy" của họ, và Bắc Kinh cũng nhận thức rất rõ rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị bước vào chu kỳ bầu cử Tổng thống, nơi những luận điệu diều hâu chống lại Bắc Kinh còn có thể tiếp tục gia tăng.
Theo Reuters, ngay cả đối với Tổng thống Joe Biden, dù ông ấy nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai nước đang đi đúng hướng và dù rằng, ông ấy được thông báo liên tục về các tiến triển đạt được trong chuyến công du Bắc Kinh của Blinken, nhưng Tổng thống vẫn lưỡng lự.
"Chúng ta đang đi đúng hướng!" Biden nói về quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng khi được các phóng viên hỏi trong chuyến đi tới California, liệu Tổng thống có cảm thấy tiến bộ đã đạt được rõ rệt hay không, thì ông lại tự mâu thuẫn: "Tôi không cảm thấy lắm!" Ông trả lời. "Nhưng quý vị biết đấy, các bước tiến đã và đang được thực thi! Blinken đang làm rất tốt công việc của ông ấy!"
Liệu có sự hiểu nhầm nào liên quan đến việc Tập Chủ tịch tiếp Ngoại trưởng Blinken vào cuối buổi chiều 19/6? Cuộc tiếp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, chỉ được công khai thông báo khoảng một giờ trước khi nó diễn ra. Và cũng chỉ kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ, bắt đầu lúc 4:34 chiều (giờ địa phương) và kết thúc lúc 5:09 chiều. Điều này hơi ngược với thông lệ xưa nay, cuộc chào xã giao lãnh đạo cao nhất bao giờ cũng được lên lịch từ trước.
Và liệu tại sao được ông Tập tiếp lại quan trọng?
Cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 30 phút ấy có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một Thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden vào cuối năm nay. Biden và Tập gặp nhau lần gần đây nhất là bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11/2022. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết liên lạc thường xuyên hơn, dù quan hệ kể từ đó đã xấu đi, vì vấn đề Đài Loan, vì các cáo buộc gián điệp và nhiều quan ngại khác.
"Hai bên cũng đã đạt được tiến bộ và đạt được thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể. Điều này rất tốt," ông Tập nói với ông Blinken trong cuộc hội kiến. Ông Blinken đáp lại rằng hai nước "có nghĩa vụ và trách nhiệm" trong việc quản lý mối quan hệ của họ và Mỹ "cam kết thực hiện điều đó".
Hiện còn quá sớm để xem những giao tiếp Trung - Mỹ này có thực sự là một "khởi đầu mới" hay không? Và mới thì là mới ở chỗ nào? Nhưng điều dễ thấy là cả hai bên đều còn cần nhau, ít là để dàn xếp tránh những căng thẳng do chưa định vị được đối thủ mà dễ gây ra đổ vỡ lớn.
Với Việt Nam, bất cứ động thái nào của Washington và Bắc Kinh trong cuộc đối đầu dài hơi rồi cũng sẽ có tác động đến Biển Đông, đến kinh tế, đến quan hệ với Nga, đòi hỏi các nhà lãnh đạo ở Hà Nội có cái nhìn dài hạn, thay vì xoay theo bên này bên kia, trong khi "lẽ phải" không bao giờ tồn tại trong bang giao quốc tế.
Trước đây, Trung Quốc từng "dụ" Mỹ "chia đôi" Tây Thái Bình Dương. Mỹ đã khước từ. Nay, với tham vọng lớn hơn, Tập hàm ý nói với Blinken, Trung Quốc "rủ" Mỹ cùng làm bá chủ thế giới!
Nhưng trước khi rời Bắc Kinh, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói với người dẫn chương trình Leila Fadel của kênh phát thanh Mỹ NPR Morning Edition rằng, rõ ràng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc là "chưa ổn định" trong các cuộc hội đàm.
"Tham gia trực tiếp, liên lạc bền vững ở cấp cao, là cách tốt nhất để quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ của chúng ta," ông nói.
Trước mắt, mọi người sẽ chờ xem cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào. Tránh được thế Chiến Quốc thời mới - hỗn chiến giữa các tiểu quốc vì các đại cường không điều khiển nổi "đàn em" - thì cũng "vài hồi sau" nữa, thế trận "Tam quốc" của thế kỷ 21 mới được định hình.
Bài thể hiện quan điểm riêng của Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan.